Wednesday, July 18, 2007

TPHCM: Giá điện cao, tách hộ khẩu để xin thêm định mức

Tách hộ khẩu để xin thêm định mức điện đang rộ lên tại TP.HCM. Tình trạng này gia tăng mạnh sau thời điểm điện tăng giá.

Một tách thành... năm








Kiểm tra đồng hồ điện nhà khách hàng . Ảnh TTO>
Kiểm tra đồng hồ điện nhà khách hàng . Ảnh TTO>

Theo thông tư hướng dẫn thực hiện giá bán điện của Bộ Công nghiệp có hiệu lực từ 1/1/2007, giá bán lẻ điện áp dụng với mỗi hộ gia đình sử dụng điện cho nhu cầu sinh hoạt được tính: 100kWh đầu tiên giá 550 đồng, 50kWh  tiếp theo giá 1.110 đồng, 50kWh  tiếp theo giá 1.470 đồng... Cơ sở để “khoán” định mức này dựa trên sổ hộ khẩu hoặc KT3 của mỗi hộ.





Trường hợp bên mua điện có các hộ sử dụng điện dùng chung đồng hồ điện (có hộ khẩu riêng) trong thời gian chờ lắp đặt đồng hồ riêng, tạm thời cách tính giá điện được áp dụng theo nguyên tắc mức bậc thang của bên mua điện nhân với số hộ sử dụng điện dùng chung đồng hồ điện.

Vì lý do trên, nhiều khách hàng đã áp dụng “chiến thuật” tách hộ khẩu nhằm tăng thêm định mức điện để giảm tiền điện phải trả hàng tháng. Một cán bộ Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM cho biết chỉ cần sổ hộ khẩu, phiếu báo thay đổi hộ khẩu - nhân khẩu và đồng ý bằng văn bản của chủ hộ là từ một hộ khẩu có thể tách ra 4-5 hộ khẩu khác dưới dạng hộ ghép cùng một địa chỉ. Trên giấy tờ, đây là những hộ riêng biệt nhưng thực tế chỉ là một hộ (trừ những trường hợp đã ngăn ra thành từng hộ lẻ). Căn cứ theo qui định, điện lực phải cấp thêm định mức cho các trường hợp này.

Hiện nay, tình trạng khách hàng tách hộ để xin thêm định mức ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Một cán bộ thuộc Công an quận Phú Nhuận cho biết: trong khoảng 150 người dân đến hỏi thủ tục xin tách hộ thời gian gần đây thì có đến 100 trường hợp nêu lý do: để xin thêm định mức điện.

Chưa hợp lý nhưng vẫn phải làm
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bội Khuê - bộ môn hệ thống điện Trường đại học Bách khoa TP.HCM, quy định mức giá như hiện nay đối với điện, nước là bất hợp lý. Bất hợp lý nữa là việc tính toán định mức chưa công bằng giữa hộ có nhiều người với hộ có ít người.

 



Điều này tất yếu sẽ dẫn đến những hệ lụy khác: nếu nhà nào cũng tách 3-4 hộ khẩu rõ ràng ngành điện sẽ mất một khoản thu đáng kể vì ít trường hợp sử dụng vượt định mức mà còn tăng thêm gánh nặng trong việc kiểm tra, xác minh và quản lý. Ngành công an cũng bị tăng áp lực trong quản lý hộ khẩu.

Ông Nguyễn Văn Quang, phó viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng: “Để số lượng điện phân bổ một cách công bằng hơn giữa hộ ít nhân khẩu và hộ nhiều nhân khẩu, phải tính toán lại định mức điện theo hướng hộ nào cũng được hưởng một lượng định mức cố định, sau đó căn cứ vào số lượng nhân khẩu trong hộ để tăng thêm định mức cho hợp lý”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lý (phó giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM) lại giải thích, mặc dù việc tính định mức đối với hộ gia đình sử dụng điện cho nhu cầu sinh hoạt như hiện nay là chưa hợp lý nhưng ngành điện cũng không thể làm trái qui định. Công ty điện lực TP.HCM cũng đã từng kiến nghị Tập đoàn Điện lực VN (EVN) xem xét kiến nghị các cấp có thẩm quyền cao hơn tính lại định mức dựa trên cơ sở nhân khẩu thay vì theo hộ khẩu như hiện nay.

(Theo Tuổi Trẻ)

 

1 comment:

  1. Đời sống nhân dân đã được cải thiện tí nào đâu chứ, tăng lương ít mà giá cả tăng nhiều. Đành phải dựa vào luật mà lách thôi, được tí nào hay tí ấy.

    ReplyDelete