Sunday, July 15, 2007

"Bức tranh đại học tại chức đã quá đen tối"

"Bức tranh đại học tại chức đã quá đen tối, tình hình đã quá mức phải báo động. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy tiêu cực có mặt ở khắp mọi hoạt động..." - GS. Nguyễn Đình Cống.

Để thể hiện nỗi bức xúc trước những dấu hiệu băng hoại của nền giáo dục nước nhà, qua Tuần Việt Nam, GS. Nguyễn Đình Cống gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo những lời đầy tâm huyết.



Kính thưa Bộ trưởng!


Trước hết, tôi phải nói rằng chủ trương, quy chế đào tạo đại học tại chức nhìn chung là đúng đắn. Mấy chục năm qua, việc đào tạo tại chức đã cung cấp một số lớn cán bộ có trình độ, giải quyết được tình trạng thiếu người làm việc ở các địa phương.


Nhưng gần đây việc đào tạo tại chức đã quá bị lạm dụng, mở rộng quá mức so với điều kiện và khả năng của người học, người dạy và cơ quan quản lý, làm cho chất lượng tụt dốc thê thảm.


Bức tranh đại học tại chức hiện nay đã quá đen tối, tình hình đã quá mức phải báo động. Qua khảo sát sơ bộ thấy rằng tiêu cực có mặt ở khắp mọi hoạt động, tôi chỉ xin phản ánh một số nét về tuyển sinh, giảng dạy và đánh giá.


1. Tuyển sinh không đúng đối tượng


Tuy cũng có những đợt ôn tập, những kỳ thi tuyển, cũng có điểm sàn xét tuyển, nhưng phần lớn các kỳ tuyển sinh đại học tại chức chỉ làm mang tính hình thức, đối phó. Sự gian dối trong thi tuyển là khá phổ biến.


Đa số người trúng tuyển đều không đúng đối tượng, có động cơ học tập lệch lạc, trình độ quá thấp, bị hổng rất nhiều kiến thức cơ bản của phổ thông, nên không tiếp thu được các kiến thức ở đại học. Họ cũng học, thi, đủ điểm xét lên lớp và được cấp bằng. Nhưng thực tế, họ học mà không hiểu, thi được chủ yếu nhờ gian lận, thi xong rồi thì quên gần hết các kiến thức, còn kỹ năng hầu như chẳng có gì.


Tôi dạy một số môn chuyên ngành năm thứ 3 và thứ 4 ngành kỹ thuật xây dựng (thi tuyển khối A). Có đến 80% sinh viên không làm được những bài kiểm tra đơn giản về kiến thức các năm trước, 30% sinh viên không làm được các bài toán phổ thông về cộng trừ phân số, tính diện tích hình thang, hình vòng khuyên.


Sau mỗi lần giảng bài, tôi luôn hỏi học sinh có chỗ chưa hiểu tôi sẽ giảng lại, và chỉ luôn nhận được sự im lặng đáng buồn. Đề thi ra mà không giống 100% bài mẫu đã được luyện tập trước thì đa số sinh viên không làm được, hoặc chỉ máy móc làm theo bài mẫu.


Trao đổi với nhiều giáo viên, tôi được biết tình trạng trên là phổ biến mở mọi ngành đào tạo hệ tại chức trong toàn quốc.


Theo quy định của hệ đại học tại chức, mỗi năm sinh viên thường được tập trung học vào hai kỳ, mỗi kỳ khoảng 2, 3 tháng. Trong thời gian đó, lẽ ra họ phải được nghỉ hoặc giảm bớt việc làm để tập trung cho việc học. Nhưng trên thực tế, rất ít sinh viên được nghỉ, đa phần vẫn phải làm việc bình thường. Có nhiều người còn phải làm việc toàn bộ ban ngày, chỉ được tranh thủ học vài giờ buổi tối.


Trình độ đã yếu kém lại không bảo đảm được thời gian và điều kiện học tập thì việc học cho có kết quả tốt?














Học cho qua chuyện hay học để có cuộc sống tốt hơn?
Ảnh minh họa (Theo quocanhiec-hcm.com.vn)


2. Dạy và học... cho qua chuyện


Cách tổ chức dạy học hiện nay là theo lối "cuốn chiếu" - mỗi môn được dạy trong một số ngày liên tiếp, xong môn này mới chuyển sang học môn khác. Theo thời khóa biểu, mỗi ngày lẽ ra sinh viên chỉ học khoảng 5 tiết, nhưng có nhiều môn được dạy cấp tập từ 8 đến 12 tiết. Vì thầy phải dạy thật nhanh cho xong để còn đi dạy nơi khác hoặc làm việc khác.


Tôi gọi đó là kiểu học "mưa rào". Mưa rất to nhưng trôi tuột hết. Vài ba ngày cho một môn, bảy tám môn học cho mỗi đợt, sinh viên chỉ biết cắm cúi ghi chép mà không hiểu được bài. Đúng là kiểu dạy và học cho qua chuyện.


Có lập luận cho rằng trong thời gian tập trung sinh viên chỉ cần tiếp nhận kế hoạch học tập, nhận tài liệu và được hướng dẫn các phần cơ bản còn việc học và làm bài tập được thực hiện trong cả năm. Đó chỉ là lý thuyết suông. Thực tế sinh viên Việt Nam hiện nay không có đủ điều kiện và trình độ để theo cách học đó.


3. Đánh giá lỏng lẻo và gian lận


Có nhiều môn học sau vài ba ngày học cấp tập, sinh viên chưa kịp hiểu, chưa kịp ôn tập gì, đã được thi luôn. Thế mà họ lại đạt kết quả khá cao. Có lẽ là do cả thầy và trò đã dùng một số mẹo nào đấy (?).


Cũng có những môn học được tổ chức ôn tập và thi khá nghiêm túc nhưng phần lớn chỉ nghiêm được ở lần thi thứ nhất, và lần này cho kết quả khá thấp. Lần thi thứ 2 thường được thầy gửi đề cho các cơ sở tự tổ chức thi. Do vậy, sự lỏng lẻo và gian lận xảy ra phổ biến ở kỳ thi này và đa số người thi đều qua được.


Gần như tất cả các giảng viên dạy tại chức đều biết rõ hiện trạng trên nhưng đa số đều chấp nhận với câu an ủi: "gặp thời thế thế thời phải thế".


Cũng có một số ít thầy cô tỏ ra bức xúc, đã tự mình tìm cách bảo đảm chất lượng giảng dạy môn học và góp ý kiến với các cơ sở quản lý đào tạo. Thế nhưng việc làm của họ chỉ như ném một hạt cát xuống ao bèo.


Trước thực trạng trên, tôi nhận thấy có hai nguy cơ lớn cần báo động:


Thứ nhất là sự băng hoại đạo đức và đạo lý giáo dục, là sự khuyến khích gian lận và vô trách nhiệm, là thầy trò lừa dối lẫn nhau và cùng với đơn vị quản lí đào tạo lừa dối nhân dân. Càng lừa dối được nhiều thì thành tích càng lớn.


Thứ hai là sự lãng phí quá lớn cho xã hội. Một số khá đông người quản lý, người dạy, người học bỏ ra nhiều công sức, thời gian và tiền của để dạy và học nhưng kết quả kiến thức của người học chẳng được là bao, hiệu quả của công việc là rất thấp.


Có lập luận cho rằng dù sao đại học tại chức cũng giải quyết được các vấn đề nâng cao dân trí và thỏa mãn được nhu cầu đại học của số đông. Theo tôi đó chỉ là các suy luận không thật đúng thực tế. Học mà không hiểu, không nhớ thì hiệu quả nâng cao dân trí là thấp. Còn nhu cầu, cũng nên đánh giá bao nhiêu phần là nhu cầu giả tạo. Và nếu có đáp ứng nhu cầu thì cũng nên dạy và học cho tử thế chứ không bằng gian lận.


Kính thưa Bộ trưởng!


Trên đây chỉ là vài nét chấm phá về bức tranh ảm đạm của đại học tại chức. Thực tế còn nhiều vấn đề bất cập về chính sách và quản lí, còn nhiều hành động tiêu cực tồi tệ mà tôi không thể kể hết ra đây. Kính mong Bộ trưởng quan tâm đến tình hình, tổ chức khảo sát và đánh giá thật khách quan chất lượng giáo dục đại học tại chức, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.


Về phần tôi nếu được Bộ trưởng hỏi đến, tôi xin cung cấp thêm thông tin, đóng góp các suy nghĩ và biện pháp cụ thể để chấn hưng nền giáo dục nước nhà.


Xin gửi Bộ trưởng lời chào kính trọng và tin cậy.


Kính thư!


GS. Nguyễn Đình Cống (Thanh Xuân - HN)


(theo www.tuanvietnam.net)

1 comment:

  1. Chuyen nhu the, co ai ra dung de su ly' ko ? co su ly triet de khong? Minh cung chan cai canh hoc TC nhu the nay lam roi, nop tien vao ma hoc nhu di choi, co ai muon nhu the dau chu?

    ReplyDelete